Cha mẹ có nên cho con ngủ riêng từ sơ sinh?

Cha mẹ có nên cho con ngủ riêng từ sơ sinh?

Cha mẹ nên cho con ngủ riêng từ khi nào và những lợi, hại khi cho con ngủ riêng là gì? Chúng ta sẽ cùng giải đáp những thắc mắc ngày ngay dưới đây


Những năm gần đây, vấn đề cho con ngủ riêng hay không được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng nên cho con ngủ riêng từ sớm, tuy nhiên không ít người khác cảm thấy cho trẻ ngủ riêng sẽ tước mất quyền được gần gũi với bố mẹ của con. Vậy nên cho con ngủ riêng khi nào và làm cách nào để tâm lý trẻ không bị ảnh hưởng? Cùng Mái Ấm Nhỏ giải đáp ngay dưới đây.

Lợi ích khi cho trẻ ngủ riêng

Theo kết quả nghiên cứu tại phương Tây cho thấy chỉ có khoảng 6% trẻ em ngủ chung với bố mẹ. Tại Nhật Bản, con số này là 26% còn ở Việt Nam thì chiếm đa số. Nhiều gia đình cho con ngủ cùng đến tận 6-9 tuổi do quan niệm của nhiều cha mẹ Việt cho rằng trẻ nhỏ cần được ngủ cùng bố mẹ để có cảm giác được yêu thương.

Thực tế cho thấy bé ngủ chung lâu với bố mẹ có nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Nghiên cứu tại Anh cho thấy 2/3 trường hợp đột tử ở trẻ sơ sinh xảy ra khi trẻ ngủ chung với mẹ, phần lớn do mẹ vô thức đè lên bé trong khi ngủ gây ngạt thở.

Trẻ ngủ riêng

Trẻ ngủ riêng rèn được tính tự lập và tránh những chuyện không nên thấy

Các chuyên gia cho rằng nên cho trẻ ngủ riêng để mẹ và bé đều có giấc ngủ sâu hơn, giúp trẻ hình thành tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Vì ngủ chung trẻ có xu hướng thức khuya hơn, không rèn được rèn được tính tự chủ mà chờ bố mẹ ép đi ngủ, gây áp lực tâm lý cho trẻ. Ngoài ra ngủ chung giường cũng có thể khiến trẻ bị ám ảnh nếu chẳng may thấy bố mẹ âu yếm. Ngủ riêng sớm giúp trẻ tự lập và tự tin, bố mẹ cũng có không gian riêng để duy trì hạnh phúc gia đình.

Khi nào nên cho trẻ ngủ riêng

Việc cho con ngủ chung giường có nhiều lợi ích trong quá trình chăm sóc, nhất là khi trẻ còn nhỏ. Trẻ sẽ ngủ ngon hơn, được chăm sóc tốt hơn và cảm thấy an toàn hơn. Nhất là trong giai đoạn trẻ sơ sinh đến trước 3 tuổi, trẻ cần tình thương của cha mẹ và cần được chăm sóc toàn diện.

Khi trẻ lên 3, trẻ bắt đầu có những tò mò về giới tính, phân biệt được sự khác nhau giữa nam và nữ. Bởi vậy nên đây cũng là lúc mà bố mẹ cần cho trẻ ngủ riêng để có khoảng không gian riêng tư.

trẻ lên 3 tuổi

Khi trẻ lên 3 tuổi là đã có thể ngủ tách bố mẹ

Không có con số cụ thể là chính xác bao nhiêu tuổi con cần ngủ riêng, vì bắt đầu từ sau 3 tuổi là trẻ đã có thể tách khỏi bố mẹ. Muộn nhất là 6 tuổi, bố mẹ nên cho con ngủ phòng riêng. Trẻ 9 tuổi là quá muộn để có thể ngủ chung với bố mẹ. Vì trẻ em từ tuổi này đã có thể nhận thức về tình dục cũng như có nhiều sự tò mò về giới tính và tình dục. Nếu trẻ vô tình thấy chuyện vợ chồng hoặc có xem nội dung không phù hợp với trẻ em thì sẽ gây ảnh hưởng vô cùng xấu đến tâm lý. Trẻ em độ tuổi này vẫn ngủ cùng bố mẹ sẽ có sự phụ thuộc lớn vào cha mẹ, không tự lập và lớn lên cũng sẽ không thể làm chủ được cuộc sống của mình.

Dù có những lợi và hại như vậy nhưng việc cho con ngủ riêng có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào việc bố mẹ sẵn sàng hay chưa.

Phụ huynh cần chuẩn bị như thế nào để cho trẻ ngủ riêng

Sẵn sàng tách con

Việc cho bé ngủ riêng là cha mẹ tạo điều kiện để con được tự lập, trưởng thành, không phải bỏ rơi con như trong suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh. Khi nhìn thấy những lợi ích khi bé được ngủ riêng, phụ huynh sẽ sẵn sàng tách con ra.

Cha mẹ cần có tâm lý sẵn sàng

Cha mẹ cần có tâm lý sẵn sàng để cho con ngủ riêng khi con đủ tuổi

Cương quyết

Để hình thành thói quen mới, con cần thời gian để thích nghi. Việc bắt đầu tách bố mẹ để ngủ riêng là không dễ dàng và trẻ sẽ mè nheo, năn nỉ khiến cha mẹ mủi lòng. Bởi vậy nên giai đoạn đầu nếu cha mẹ không cương quyết thì sẽ khiến trẻ càng không muốn ngủ riêng và chống đối hơn vì nghĩ chỉ cần nài nỉ là sẽ được về phòng cùng cha mẹ.

Chuẩn bị tâm lý cho con

Để cho con ngủ riêng, cha mẹ cần trao đổi trước với trẻ. Giải thích với trẻ rằng con sẽ có phòng riêng, góc riêng, có thể được trang trí theo ý thích... Việc trao đổi sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ con hơn để biết con đã sẵn sàng hay chưa.

trang trí góc ngủ riêng

Trẻ em thường rất hứng thú với việc tự tay trang trí góc ngủ riêng

Giai đoạn tách con ngủ riêng

Để trẻ quen với việc ngủ riêng mà không quá đột ngột, cha mẹ có thể làm theo 3 giai đoạn để trẻ thích nghi từ từ

  • Giai đoạn đầu: Cho trẻ ngủ chỗ riêng nhưng vẫn đặt cạnh giường cha mẹ
  • Giai đoạn hai: Có màn ngăn giữa chỗ ngủ của con và của cha mẹ
  • Giai đoạn ba: Động viên con ngủ ở giường riêng, phòng riêng đã được chuẩn bị sẵn.

Phụ huynh cũng cần lưu ý chỉ cho con ngủ riêng, còn những việc làm trước khi đi ngủ như kể chuyện, đọc sách, trò chuyện, chơi với trẻ thì vẫn cần duy trì để luôn luôn gần gũi, thân mật với con, giúp con không cảm thấy xa cách hay bị bỏ rơi khi ngủ riêng. Cha mẹ không nên đặt những thứ gây nguy hiểm trong phòng bé và để ý đến con trong lúc con ngủ.

trò chuyện với con

Cha mẹ trò chuyện với con trước khi đi ngủ để gia tăng tình cảm

Những trường hợp không nên để trẻ ngủ riêng

Điều kiện sức khỏe của trẻ

Nếu như trẻ sinh ra có thể trạng yếu hoặc mang một số bệnh nguy hiểm cần có sự chăm sóc toàn diện của cha mẹ, trẻ được bác sĩ yêu cầu ngủ chung với cha mẹ thì không nên để trẻ ngủ riêng quá sớm. Trước khi tập cho trẻ ngủ riêng, cha mẹ cần xem xét điều kiện sức khỏe của trẻ có thể tự lập được hay không.

Tâm lý trẻ chưa sẵn sàng

Không nên bắt ép trẻ ngủ ở phòng khác nếu tâm lý trẻ chưa thực sự sẵn sàng. Bố mẹ làm tốt quá trình chuẩn bị tâm lý cho trẻ, giải thích lý do mà trẻ cần ngủ riêng thật ân cần và cặn kẽ trước khi thực hiện. Nếu trẻ vẫn cương quyết không nghe thì cha mẹ cũng cần có thời gian để trẻ thích ứng, tránh việc nổi loạn, không nghe lời khiến không chỉ trẻ mà cha mẹ cũng cảm thấy mệt mỏi, bất lực.

động viên thật nhiều để trẻ sẵn sàng ngủ riêng

Cha mẹ cần động viên thật nhiều để trẻ sẵn sàng ngủ riêng

Điều kiện chưa phù hợp

Nhiều gia đình tại Việt Nam chưa có đủ điều kiện, hoặc vì các lý do khác nhau mà không đảm bảo một không gian thoải mái, an toàn cho trẻ ngủ riêng. Nếu như bạn cảm thấy chưa đủ điều kiện để bé tự lập thì có thể đợi đến khi sẵn sàng rồi mới cho trẻ ngủ riêng.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng để trẻ ngủ riêng từ sau 3 tuổi là việc nên làm. Mỗi đứa trẻ nên học được tính tự lập từ nhỏ và tránh thấy những cảnh không nên thấy. Không ít đứa trẻ chứng kiến chuyện thân mật của bố mẹ từ nhỏ bị ảnh hưởng về tâm lý, có hành vi và suy nghĩ lệch lạc. Lớn lên trẻ có thể bị lạm dụng hoặc là nạn nhân của lạm dùng.

Ngoài việc cho ngủ riêng, cha mẹ cũng có thể giáo dục giới tính cho con tùy vào độ tuổi. Tuy nhiên thời điểm cũng như cách thức ngủ riêng cho từng bé cũng còn phụ thuộc vào tình trạng trẻ, tình cảnh gia đình và nhiều yếu tố khác. Cha mẹ cần là người biết lúc nào là thời điểm phù hợp nhất cho trẻ ngủ riêng, hạn chế những đáng tiếc có khả năng xảy ra.

>>> Phát hiện và khắc phục rối nhiễu tâm lý ở trẻ em mà cha mẹ cần biết

1 lượt
Vote :