Suy dinh dưỡng ở trẻ đã và đang là vấn đề nan giải của khá nhiều ông bố, bà mẹ. Tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, trí não của trẻ. Chính vì vậy, chúng ta cần có những kiến thức cơ bản về nuôi dạy và chăm sóc phù hợp nhất. Nhằm giúp bạn hiểu hơn về bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ, Mái ấm nhỏ sẽ cung cấp những thông tin liên quan ngay trong bài viết này, bạn hãy tham khảo ngay nhé.
Hậu quả của suy dinh dưỡng ở trẻ em
Suy dinh dưỡng là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, chính vì vậy chúng ta cần lường trước được hậu quả của nó. Dưới đây là một vài tác động xấu từ suy dinh dưỡng mà các mẹ cần quan tâm:
- Suy dinh dưỡng làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi bởi các bé trong độ tuổi này hệ miễn dịch thường rất yếu. Việc cung cấp không đầy đủ các chất dinh dưỡng khiến sức khỏe yếu tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus có hại xâm nhập vào cơ thể. Các bé sẽ dễ dàng bị mắc các bệnh ngoài da, bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu chảy…
- Chậm phát triển về thể chất và trí não: Những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng thường còi cọc, gầy yếu hơn bạn cùng tuổi , ảnh hưởng tới việc phát triển các cơ quan, cơ xương, chiều cao, tầm vóc. Trẻ suy dinh dưỡng thường chậm trong giao tiếp, giảm khả năng học hỏi vì não thiếu các dưỡng chất như chất béo, đường, sắt, iot, DHA… cần thiết
- Và còn khá nhiều tác hại không lường khác như dễ dàng bị béo phì sau khi suy dinh dưỡng, khi trưởng thành thì khả năng lao động, làm việc kém hiệu quả. Đối với các bé gái bị suy dinh dưỡng khi lớn lên cũng rất dễ có nguy cơ sinh con bị suy dinh dưỡng.
Các bé bị suy dinh dưỡng thường còi cọc, gầy yếu hơn các bạn cùng tuổi
Nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ
Suy dinh dưỡng là tác nhân của khá nhiều bệnh tật nguy hiểm ảnh hưởng tới quá trình sống, sức khỏe và trí não của trẻ. Ngay từ khi trong bụng mẹ, các bé đã có nguy cơ bị suy dinh dưỡng do mẹ cũng bị thiếu chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó còn khá nhiều nguyên nhân khác dẫn tới việc thiếu dinh dưỡng ở trẻ.
Chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng
Với những em bé từ 0 – 6 tháng đang hoàn toàn bú sữa mẹ nhưng bị thiếu chất dinh dưỡng cũng khiến các bé có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Cũng có khá nhiều ông bố, bà mẹ không có nhiều kiến thức nuôi dạy trẻ đúng cách nên cai sữa sớm cho con, việc này làm hệ miễn dịch của bé yếu hơn nhiều so với những đứa trẻ khác.
Các bé bắt đầu bước vào tuổi ăn dặm nhưng các mẹ không cho bé ăn đúng cách, thiếu chất dinh dưỡng hoặc không xác định đúng hàm lượng các chất trong món ăn để điều chỉnh đúng cách cũng khiến bé dễ dàng bị dư thừa hoặc thiếu chất.
Khi bé biết đi, biết chơi thì nhu cầu cần được nạp thêm nhiều năng lượng là vô cùng cần thiết, tuy nhiên cha mẹ lại cho các bé ăn ít hơn so với nhu cầu.
Chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng
Trẻ mắc các bệnh lý nhiễm trùng
Những trẻ hay bị các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, sởi… đặc biệt là những bé không được bú sữa mẹ nhiều hoặc cai sữa sớm thì thường rất dễ bị suy dinh dưỡng. Hệ miễn dịch trong cơ thể rất yếu, cơ thể dễ bị tác nhân xấu xâm nhập vào. Trẻ sẽ rất biếng ăn, yếu ớt, lười chơi, hay đau ốm bắt buộc bố mẹ phải dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên việc này khiến hệ tiêu hóa của bé dễ bị rối loạn vì thuốc cũng có tác dụng tiêu diệt hết các vi khuẩn có lợi. Thực tế đã cho thấy, những bé hay sử dụng thuốc từ khi còn nhỏ thì thường hay bị suy dinh dưỡng, còi cọc, khó tăng cân và rất yếu ớt.
Trẻ dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng
Sinh non, thiếu sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt với những bé mới sinh thì cần được bú sữa mẹ để tăng sức đề kháng. Tuy nhiên, có khá nhiều mẹ bầu sau khi sinh bị tắc tuyến sữa. Vì thế nên cân đối lại chế độ dinh dưỡng theo đúng yêu cầu của bác sĩ và tuyệt đối không nên cai sữa cho bé khi chưa đủ 12 tháng tuổi.
Trẻ sinh non, thiếu sữa mẹ
Nguyên nhân khác
Các nguyên nhân khác như môi trường sống không phù hợp, quá nóng hoặc quá lạnh, các bé hoạt động, vui chơi nhiều tiêu hao năng lượng cũng tác động tới việc nạp năng lượng vào cơ thể của các bé
Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị thiếu dinh dưỡng
Có khá nhiều dấu hiệu để nhận biết được trẻ bị bệnh thiếu dinh dưỡng để bố mẹ nhận biết được như:
- Trẻ biếng ăn, chậm tăng cân trong vòng 2 – 3 tháng
- Da xanh xao, yếu ớt, tóc rụng nhiều
- Chậm mọc răng
- Chậm lẫy, lật, bò, tập đi so với những bạn cùng lứa tuổi
- Hay quấy khóc, lười chơi, lười vận động
- Bụng to, bắp thịt mềm, nhão
- Thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, hay đau ốm và dễ bị các bệnh nhiễm trùng, ngoài da
- Hay giật mình, khóc đêm, giấc ngủ ngắn, hay trằn trọc
Bên cạnh đó, các ông bố, bà mẹ cần quan tâm tới chiều cao và cân nặng của trẻ. Thông thường, trẻ sinh ra có cân nặng khoảng 3kg thì sau khoảng 5 tháng sẽ tăng lên gấp đôi và sau năm thì tăng lên gấp 3 lần ban đầu. Từ năm thứ 2 trở đi thì mỗi năm tăng khoảng 2kg là bình thường. Cân nặng của bé khi bước sang tuổi thứ 6 ít nhất phải là 20kg. Đối với những vùng không có điều kiện cho trẻ đi cân thì có thể đo vòng cánh tay của các bé trong độ tuổi từ 1 – 5 tuổi. Các bé có vòng cánh tay dưới 13cm thì bé bị suy dinh dưỡng.
Bố mẹ cũng có thể dựa vào chiều cao của trẻ để xác định mức độ bị suy dinh dưỡng ở trên. Trẻ mới sinh ra sẽ có chiều dài là 50cm, sau 6 tháng là 65cm, 12 tháng là 75cm, 2 tuổi là 85cm, 3 tuổi là 95cm và 4 tuổi là 100cm. Những năm tiếp theo, mỗi năm tăng thêm 5cm. Những bé bước sang tuổi thứ 8 thì phải cao khoảng 120cm.
Bảng đo chiều cao, cân nặng dành cho trẻ từ 0 - 10 tuổi
Phương pháp phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ em
Để trẻ không bị suy dinh dưỡng, các ông bố bà mẹ cần phải có chế độ ăn uống hợp lý dành cho cả mẹ bầu và bé
- Có chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng cho mẹ và bé, đảm bảo cho các bé sinh đủ tháng, đủ chiều dài và cân nặng.
- Cho bé bú ngay sau khi sinh và không cai sữa trước 12 tháng. Trong trường hợp mẹ bị thiếu sữa thì có thể tìm thêm sữa ngoài thay thế
- Khi trẻ được 6 tháng tuổi thì có thể cho bé ăn dặm đủ 4 chất dinh dưỡng gồm đạm, béo, rau củ quả và bột đường
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nấu chín, uống sôi
- Xây dựng biểu đồ tăng trưởng theo tháng cho bé để phát hiện kịp thời tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ.
Biện pháp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ
Với các bé đã mắc bệnh suy dinh dưỡng thì bố mẹ cần có những phương án cụ thể về việc cung cấp đầy đủ chất cần thiết cho trẻ. Việc đầu tiên là xây dựng chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng và vitamin. Bên cạnh đó bạn cũng nên tích cực cho trẻ hoạt động, vui chơi, tắm nắng để tăng cường sức đề kháng cũng như kích thích khả năng ăn uống của trẻ. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý thêm những điều dưới đây:
- Điều trị dứt điểm các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy… kết hợp phương pháp ăn uống giàu dinh dưỡng
- Không tùy tiện sử dụng các loại kháng sinh hoặc thuốc chữa bệnh mà chỉ dùng khi có yêu cầu của bác sĩ
- Thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ
- Định kỳ tẩy giun 6 tháng một lần cho các bé từ 2 tuổi trở lên.
Cho trẻ đi khám định kỳ 3 - 6 tháng một lần
Hãy luôn quan tâm tới sức khỏe và tình trạng của con trẻ, tốt nhất bạn nên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ, đo chiều cao và cân nặng thường xuyên nhé.
Bình luận
Bài viết liên quan