Cách bảo quản sữa mẹ đúng không phải ai cũng biết

Cách bảo quản sữa mẹ đúng không phải ai cũng biết

Bài dưới đây Mái Ấm Nhỏ sẽ mách mẹ cách bảo quản sữa mẹ đúng cách để đảm bảo đủ sữa cho bé mỗi ngày.


Trẻ sơ sinh cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để đảm bảo cho sự khỏe mạnh và phát triển tối ưu. Bắt đầu từ tháng thứ 6 trở đi, bé có thể ăn dặm và tập làm quen dần với những loại thực phẩm thô nhưng sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính và vô cùng cần thiết.

Với những người bận rộn phải đi làm sau khi sinh, sau thời gian nghỉ sinh hoặc mắc một số vấn đề không thể cho con bú trực tiếp thì cần phải bảo quản sữa mẹ để cho con ăn hàng ngày. Nhưng cách bảo quản thế nào thì không phải mẹ nào cũng biết.

Sữa mẹ có thể bảo quản bao lâu sau khi vắt?

Sữa mẹ để được bao lâu phụ thuộc vào nhiệt độ và cách bảo quản sữa. Khi mới vắt sữa ra, bầu sữa trống kích thích tuyến yên tiết ra một chất gọi là prolactin. Chất này có tác dụng giúp việc tạo sữa nhiều hơn nên bạn có thể vắt sữa nhiều lần trong ngày khoảng từ 5-7 lần. Sữa sau khi vắt ra nên bảo quản trong tủ lạnh. Sữa mẹ để trong ngăn đá có thể bảo quản được 7 ngày còn trong ngăn lạnh sẽ là từ 1-3 ngày.

Sữa mẹ cần nhiệt độ bảo quản nghiêm ngặt

Sữa mẹ sau khi vắt ra chỉ để được ở nhiệt độ mát trong phòng khoảng 6 giờ với mức nhiệt độ là khoảng 26-28 độ C. Nếu nhiệt độ thấp hơn thì có thể để được 8-10 giờ. Tuy nhiên mặc dù trên lý thuyết là vậy nhưng các chuyên gia cũng khuyên rằng việc bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ phòng không nên quá 4 giờ. Nếu trời nóng thì không được để quá 1 giờ vì sẽ không tốt cho trẻ. Vì sữa mẹ của mỗi người là khác nhau và nhiệt độ phòng là không cố định ở mỗi lần vắt sữa nên việc xác định thời gian bảo quản cũng cần linh hoạt.

Cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh

Không bảo quản sữa đã dùng

Nếu như bạn không cho bé dùng sữa ngay sau khi vắt thì nên dự trữ sữa mẹ trong tủ lạnh càng sớm càng tốt. Tuy nhiên sữa mẹ một khi đã qua sử dụng thì không nên trữ trong tủ lạnh nữa. Vì lượng sữa thừa này bé đã sử dụng nên đã dính nước bọt có chứa vi khuẩn có thể khiến sữa bị hư và không dùng tiếp được.

Không được trữ sữa bé đã dùng

Dán nhãn lên đồ trữ sữa

Sau khi vắt sữa ra, bạn nên đổ ngay sữa vào túi đựng sữa hoặc bình đựng sữa chuyên dụng. Sau đó dán nhãn bên ngoài túi (bình) trữ sữa và ghi ngày, giờ vắt sữa lên đó để dễ theo dõi. Sữa vắt trước thì sử dụng trước và sữa vắt sau thì có thể bảo quản lâu hơn. Có thể ghi tên của bé lên túi (bình) đựng sữa trong trường hợp gửi bé đi nhà trẻ.

Bảo quản sữa trong tủ lạnh

Cất sữa vào tủ ngay khi có thể hoặc để ở nhiệt độ phòng với mức nhiệt trong khoảng như trên. Tránh xa những nơi có ánh nắng mặt trời chiếu vào, những nơi có bức xạ hoặc các nguồn nhiệt khác.

Sữa mẹ để trong ngăn đông của tủ lạnh cửa đơn có thể trữ được trong 1-2 tuần. Đối với tủ lạnh hai cửa có phun sương thì có thể trữ sữa mẹ trong khoảng 3 tháng và đối với tủ ướp lạnh chuyên dụng luôn duy trì mức nhiệt là -18 độ C thì thời gian trữ sữa mẹ là 6 tháng. Không nên bảo quản sữa mẹ ở phần cánh cửa của ngăn đông tủ lạnh vì nhiệt độ ở đó thường không chính xác.

Chia sữa thành các phần nhỏ

Khi bảo quản sữa trong tủ lạnh, bạn nên chia sữa thành các phần nhỏ với dung tích từ 80-120ml để giảm thời gian làm lạnh, thời gian rã đông cũng nhanh hơn và tránh lãng phí. Nhu cầu sữa của bé dưới 6 tháng tuổi thường là khoảng 100 -150ml nên bạn có thể vắt sữa với số lượng ít mỗi lần. Với những bé lớn hơn thì số lượng này phụ thuộc vào nhu cầu của bé nhưng cũng không nên quá lạm dụng vì bạn có thể cho con bú ngay khi rảnh rỗi hoặc khi đi làm về.

Nên chia sữa thành các phần nhỏ và dán nhãn khi bảo quản để dễ kiểm soát

Bảo quản sữa khi mất điện

Nếu như khu nhà bạn bị mất điện trong thời gian dài hoặc cần di chuyển thì bạn nên lấy các túi hoặc bình sữa đã được trữ đông và xếp vào thùng cách nhiệt có sẵn đá viên để bảo quản. Đây chỉ là cách tạm thời, không thể luôn bảo quản sữa mẹ trong thùng cách nhiệt được vì nhiệt độ trong các loại thùng này thường không ổn định và khó kiểm soát.

Rã đông và hâm nóng sữa mẹ

Dựa vào thời gian vắt sữa đã ghi trên mỗi túi (bình sữa), bạn lấy sữa đã vắt ra dùng trước. Không rã đông sữa ở nhiệt độ phòng vì điều này sẽ khiến vi khuẩn trong sữa tăng lên. Để rã đông sữa mẹ đúng cách, bạn sử dụng phương pháp hấp cách thủy hoặc làm ấm sữa bằng cách đặt bình sữa vào một bát nước nóng khoảng 40 độ C.

Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng các loại máy hâm sữa để rã đông sữa mẹ. Tuyệt đối không đun sữa mẹ hoặc hâm sữa bằng lò vi sóng vì việc thay đổi nhiệt độ quá nhanh chóng và đột ngột sẽ làm hỏng sữa, làm sữa mẹ mất đi những dưỡng chất và kháng thể quan trọng.

Sữa mẹ sau khi đem ra khỏi tủ lạnh cần được rã đông và hâm nóng

Sữa mẹ để trong tủ lạnh có thể có váng sữa tuy nhiên mẹ không cần quá lo lắng. Lắc nhẹ chai sữa để váng và sữa trộn với nhau. Đừng lắc quá mạnh vì sẽ khiến một số chất dinh dưỡng có giá trị trong sữa bị phân hủy. Bạn nên kiểm tra nhiệt độ và mùi trước khi cho bé uống. Nếu sữa quá mùi thì cũng có thể ảnh hưởng khiến bé bú ít hoặc không muốn bú  nữa. Sữa cần ấm và không quá nóng. Nên rã đông và hâm nóng một lượng sữa vừa phải, nếu bé bú không hết thì cũng phải bỏ đi, không được trữ lại.

Bảo quản sữa mẹ sau khi vắt

Vậy sau khi vắt sữa mẹ ra thì nên bảo quản bằng những dụng cụ trữ sữa nào? Bảo quản sữa mẹ sao cho đúng cách cũng phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn chọn dụng cụ trữ sữa ra sao. Có nhiều lựa chọn để bạn có thể bảo quản sữa mẹ sau khi vắt ra, cụ thể như sau:

Bình trữ sữa

Bạn nên sử dụng bình nhựa hoặc bình thủy tinh có nắp đậy để trữ sữa mẹ. Tuy nhiên các loại bình thủy tinh thường sẽ tốt hơn so với bình nhựa. Vì các thành phần chất dinh dưỡng trong sữa mẹ được bảo quản tốt nhất trong chất liệu thủy tinh. Nên chọn loại bình riêng chỉ dùng để trữ sữa.

Sau khi chọn bình, bạn phải rửa sạch bằng dung dịch vệ sinh bình sữa và nước ấm hoặc có thể sử dụng máy tiệt trùng bình sữa. Sau đó để bình khô ráo trước khi sử dụng. Không nên đổ sữa vào bình quá đầy mà nên để lại một khoảng trống nhỏ.

Bình trữ sữa

Bình nhựa có thể biến dạng sau khi sữa đóng băng nên rất dễ vỡ. Bình thủy tinh cũng có thể vỡ nếu như sử dụng không đúng cách. Bạn không được sử dụng các bình đã vỡ, mẻ hoặc nứt để trữ sữa mẹ nữa. Trên thị trường hiện nay có một vài thương hiệu bình trữ sữa được nhiều mẹ tin tưởng và sử dụng đó là: Bình trữ sữa Upass, bình trữ sữa Unimom, bình trữ sữa Medela... với giá thành rẻ và dung tích vừa phải mà bạn có thể tham khảo.

Túi trữ sữa

Bạn nên mua những loại túi trữ sữa chuyên dụng, được thiết kế riêng để bảo quản sữa mẹ. Sử dụng túi trữ sữa có thể khiến sữa dính vào 2 bên mép túi, làm giảm khối lượng sữa so với khối lượng thực tế. Sau khi mua túi trữ sữa, bạn cho khoảng 60-120ml sữa vào túi để trữ, ép hết không khí ra ngoài. Không nên đổ đầy vì sữa khi đông sẽ nở ra. Nên chọn các loại túi sữa của các thương hiệu uy tín vì túi trữ sữa mẹ rất dễ bị nứt, rách khi đông lạnh, gây nguy cơ nhiễm khuẩn sữa.

Túi trữ sữa

Một số loại chất trong những loại túi sữa kém chất lượng có khả năng phá hủy các chất dinh dưỡng trong sữa. Bạn nên mua hai loại túi, một loại để trữ sữa mẹ trong mát tủ lạnh và một loại chất lượng hơn để bảo quản sữa trong ngăn đá để tránh các vết rách trên túi. Những loại túi trữ sữa chất lượng được các bà mẹ trên khắp thế giới tin dùng đó là: Túi trữ sữa Unimom Compact của Hàn Quốc, túi trữ sữa SunMum của Thái Lan, túi trữ sữa Lansinoh...

Trên đây là những cách bảo quản sữa mẹ đúng cách mà Mái Ấm Nhỏ muốn truyền tải đến các gia đình đang có con nhỏ. Hi vọng rằng bạn đã có thêm thật nhiều thông tin hữu ích để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con yêu.

>>> Xem thêm: [Review] Tiện ích của máy hâm nước pha sữa Fatzbaby dành cho trẻ

1 lượt
Vote :