Mọi đứa trẻ đều vô cùng đáng yêu, đặc biệt là trong mắt cha mẹ. Tuy nhiên nếu có một ngày các bậc phụ huynh đột nhiên phát hiện con nói dối thì hầu hết đều rất giật mình, băn khoăn. Thậm chí nhiều người còn tức giận mắng con vì không hiểu là con học được cách nói dối từ khi nào.
Biểu hiện của trẻ nói dối
Bài viết dưới đây Mái Ấm Nhỏ sẽ giúp cha mẹ hiểu con hơn, đồng thời có thể tạo ra môi trường tốt để giáo dục con trung thực và sẵn sàng hơn trong chia sẻ với cha mẹ. Cha mẹ cần tìm ra lý do trẻ nói dối, sau đó đứng dưới góc nhìn của con để quan sát quá trình nhìn nhận, suy nghĩ của bé, từ đó mới có phương pháp thích hợp.
Tình huống trẻ nói dối
Nói dối là vấn đề mà hầu như trẻ nào cũng trải qua, khi bắt đầu đơn giản là bé chỉ muốn thoát khỏi một chuyện gì đó khó khăn, tuy nhiên nếu việc nói dối lặp lại nhiều lần thì sẽ trở thành một chuyện đáng lo ngại. Trẻ em nói dối còn có thể là dấu hiệu của sự thông minh. Nghiên cứu của Tiến sĩ Michael Lewis đã cho thấy trẻ em nói dối sớm nhất là khi trẻ bắt đầu tập nói, tức là trong khoảng 2 tuổi trở đi. Trẻ nói dối thường do 4 lý do chính sau đây:
Nói dối để bảo vệ người khác
Đôi khi, trẻ nói dối là do không biết làm thế nào để nói ra sự thật vì sợ bạn không thể xử lý được. Đây là loại nói dối thể hiện trí thông minh, cảm xúc và sự thích ứng xã hội. Thường bé gái sẽ hay nói dối kiểu này hơn là bé trai. Ví dụ như nói dối về cảm xúc thực sự về một món ăn hay món đồ chơi mà bé không hề thích để người lớn vui, hay che giấu sự thất vọng khi không nhận được thứ bé muốn. Nếu bạn thấy con có biểu hiện nói dối như vậy, đây là dấu hiệu tốt cho thấy bé đã có thể suy nghĩ đến cảm xúc của người khác, tuy nhiên theo một cách tương đối tiêu cực.
Trẻ có thể nói dối để người lớn vui vẻ
Nói dối để khỏi bị phạt
Trẻ sẽ nói dối khi muốn đổ lỗi cho người hoặc vật nào đó để tránh bị phạt. Trong nghiên cứu, Lewis đã hướng dẫn các bé không được nhìn lén món đồ đặt sau lưng, nếu như trẻ có thể làm được thì sẽ được chơi với món đồ đó ngay sau khi kết thúc thử thách. Hầu hết các đứa trẻ tham gia đều quay lại nhịn và có 60% các bé không cố ý nói dối. Đây là trường hợp khá tích cực và nhẹ nhàng. Đối vói hầu hết các vấn đề khác như khi bị chất vấn vì tội lỗi gây ra, bé sẽ luôn cuống và nghĩ ra cớ gì đó để bao biện để tự vệ.
Có trường hợp nói dối để tránh bị phạt ít phổ biến hơn nhưng lại nghiêm trọng hơn đó là làm tổn thương người khác. Đây là vấn đề mà cha mẹ cần phải quan tâm nhiều hơn để có phương pháp giáo dục thích hợp.
Bắt chước người lớn
Tất cả các bậc phụ huynh đều bảo con phải trung thực, không được nói dối nhưng có rất nhiều người nói dối ngay trước mặt con, hoặc nói dối với con. Những lời nói dối điển hình mà ngay cả cha mẹ cũng không nhận ra chỉ để đạt được mục đích của mình đó là "Uống thuốc này ngọt lắm", hay "Con ngoan ngoãn sẽ được thưởng" nhưng sau đó lại không giữ lời. Con có thể thấy bố mẹ nói hoặc những người xung quanh nói dối, không giữ lời hứa sau đó học theo. Trẻ nhỏ thường bắt chước người lớn trong rất nhiều việc và hành vi của người lớn cũng sẽ phản ánh một phần lên trẻ, bởi vậy nên trẻ học người lớn nói dối không phải là chuyện hiếm thấy.
Trẻ thường bắt chước hành vi của người lớn, bao gồm cả nói dối
Nói dối do tưởng tượng ra
Trong đầu óc trẻ thơ thường có một thế giới tưởng tượng do trẻ tự xây dựng lên. Trong thế giới này trẻ có thể là những nhân vật mà bé yêu thích trong các bộ phim như một công chúa, một nàng tiên hoặc một siêu anh hùng. Bởi vậy nên sẽ có nhiều lúc bé thốt ra những câu nói dối tự nhiên mà không hề nhận ra, vì lúc này bé vẫn đang ở trong thế giới tưởng tượng của mình chứ không phải đời thực và nhiều lúc cứ ngỡ như sự việc đó là có thật. Đôi khi nói dối do tưởng tượng bắt nguồn tự sự sợ hãi, sợ ở một mình nên nói dối là bị ốm, bị mệt để được quan tâm nhiều hơn
Sợ làm cha mẹ thất vọng
Có nhiều cha mẹ có tâm lý quá kỳ vọng vào trẻ, muốn trẻ làm tốt mọi việc, muốn trẻ được thành tích cao... dẫn đến khiến trẻ bị áp lực, nặng nề. Nếu kết quả không như cha mẹ mong muốn thì trẻ có xu hướng nói dối để che giấu, không chỉ để tránh bị phạt mà chủ yếu là vì sợ cha mẹ thất vọng.
Trẻ có thể nói dối vì sợ cha mẹ thất vọng về mình
Bố mẹ làm gì khi trẻ nói dối
Bình tĩnh và không buộc tội
Trước hết bố mẹ cần bình tĩnh để không buộc tội trẻ. Vì việc ân cần, giảm bớt trách mắng sẽ khuyến khích trẻ thú nhận mà không phải là cố gắng chối tội. Nói dối tuy xấu nhưng bé cũng đang học hỏi điều tốt từ những cái xấu nên bạn hoàn toàn có thể giúp bé nhận ra cái sai của mình một cách nhẹ nhàng.
Nếu bạn nổi giận và làm bé sợ hãi thì sẽ khó khiến trẻ tiếp thu được những lời giáo dục và có thể sẽ che giấu kỹ càng hơn vào lần sau.
Dạy cho trẻ về lòng trung thực
Trẻ em thường được người lớn dạy bảo rằng nói dối là xấu nhưng lại không thực sự hiểu được giá trị đạo đức của việc không thật thà. Cha mẹ có thể giúp bé hiểu hơn về lòng trung thực và tác hại của nói dối bằng các câu chuyện ngụ ngôn "Chú bé chăn cừu và những con sói" để bé biết được nói dối sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như thế nào.
Câu chuyện “Chú bé chăn cừu và những con sói” rất thích hợp để dạy cho trẻ về tác hại của nói dối
Xây dựng lòng tin
Cha mẹ cần phải cho trẻ biết rằng bạn tin tưởng con cũng như là chỗ dựa để bé có thể tin cậy. Nếu chẳng may bé mắc sai lầm thì cha mẹ cần để trẻ thấy là trẻ vẫn luôn được yêu thương, dù cho việc đó khiến bạn buồn. Ngoài ra cha mẹ cũng phải nói thật cho bé về mọi chuyện, không lấp liếm cho qua để khiến trẻ học theo.
Noi gương
Trẻ em luôn để ý đến từng hành động của người lớn và ghi nhớ nên những lời nói dối của cha mẹ tưởng chừng như vô hại nhưng cũng đã dạy bé bài học về sự trung thực. Đó có thể là những lời nói dối rất nhỏ như bảo bé nghe điện thoại và bảo rằng bố mẹ không có nhà, hay nói dối tuổi con để được mua vé vào công viên rẻ hơn, bảo rằng tiêm không đau... Từ những lời nói dối ấy, bé cũng sẽ học được cách nói dối bạn. Điều quan trọng nhất là cha mẹ cần phải noi gương tốt cho trẻ.
Cha mẹ cần luôn gương mẫu để noi gương cho trẻ
Cách xử lý khi trẻ thường xuyên nói dối và dù thực hiện theo những biện pháp trên, trẻ vẫn tiếp tục nói dối và ngày càng che giấu giỏi hơn, không có cảm giác tội lỗi khi cha mẹ phát hiện ra sự thật thì bạn nên tham khảo lời khuyên của chuyên gia nhi khoa, tư vấn viên hoặc bạn bè để đánh giá hành vi và có những tìm ra phương pháp đúng đắn, hiệu quả hơn giúp đỡ vấn đề của bé triệt để.
Trên đây Mái Ấm Nhỏ đã chia sẻ về vấn đề trẻ nói dối mà rất nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Khi trẻ nói dối, cha mẹ cần nhất là thật bình tĩnh sau đó giảng giải và noi gương.
>>> Xem thêm: Chuyên gia chia sẻ dấu hiệu cho thấy con bạn đang bị bắt nạt ở trường học
Bình luận
Bài viết liên quan