"Bí kíp" để nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau sinh

"Bí kíp" để nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau sinh

Thời kỳ hậu sản, cơ thể phụ nữ thường rất yếu nên cần một thời gian dài nghỉ ngơi và có chế độ chăm sóc sức khỏe sau sinh thích hợp để nhanh chóng phục hồi.


Phụ nữ thường có sức khỏe yếu sau sinh như khí huyết kém, sức đề kháng giảm, khớp xương đau nhức, mệt mỏi, sợ lạnh... Thời kỳ hậu sản phụ nữ thay đổi sinh lý cơ thể nên cần chú trọng đến chăm sóc sức khỏe kể cả thể chất và tinh thần để hồi phục tốt và cũng để giảm bớt áp lực về mặt tâm lý sau sinh.

Chăm sóc bà mẹ sau sinh tại nhà

Muốn phục hồi sức khỏe sau sinh thì mẹ cần có chế độ chăm sóc hợp lý như sau:

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng của bà mẹ sau sinh cần đủ dinh dưỡng, không kiêng khem quá mức để lấy sức khỏe và có sữa nuôi con:

  • Để bổ sung dinh dưỡng cần thiết cần đa dạng các nhóm thức ăn trong thực đơn hàng ngày, gồm tinh bột (cơm, bún, mì, khoai tây, khoai lang... ), đạm (thịt bò, thịt heo, gia cầm, trứng, sữa...), chất béo (dầu, trứng, các loại thịt...).
  • Bổ sung chất xơ từ rau, các loại trái cây để tránh táo bón. Nhiều sản phụ sau sinh bị táo bón do phải rặn quá mức khi đi đại tiện, gây ảnh hưởng xấu đến vết may tầng sinh môn hoặc vết mổ đẻ.
  • Uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày để cung cấp đủ cho nhu cầu của cơ thể. Ngoài ra thành phần của sữa mẹ cũng chủ yếu là nước.
  • Tránh thực phẩm tạo mùi mạnh như gia vị, hành, tỏi để không để lại mùi trên cơ thể đồng thời cũng tránh dùng nước hoa sau khi sinh. Mùi cơ thể từ mẹ có thể gây khó chịu cho em bé, khiến bé lười bú mẹ.

Mẹ sau sinh nên ăn đủ các chất dinh dưỡng

Mẹ sau sinh nên ăn đủ các chất dinh dưỡng và uống nhiều nước để có sữa cho con bú

Vệ sinh đúng cách

Có nhiều quan niệm cho rằng phụ nữ sau sinh cần ở cữ, không được tắm rửa, phải ủ ấm cơ thể như hơ lửa, nằm than để tránh mắc bệnh. Điều nay là không đúng vì không tắm rửa khiến vi khuẩn tích tụ dễ gây các bệnh nhiễm trùng và có thể lây nhiễm cho bé, gây nguy hiểm vì hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn hình thành và cực kỳ non nớt.

Nằm than khiến mẹ hít phải nhiều khí CO độc hại, ảnh hưởng đến hô hấp, có thể hôn mê và tử vong. Hơ nóng cơ thể khiến tử cung giãn ra, đàn hồi kém dễ khiến chảy máu âm đạo trở lại, nếu nặng hơn thì phải nhập viện điều trị.

Mẹ sau sinh

Mẹ sau sinh có thể vệ sinh cơ thể hàng ngày bằng nước ấm

Trong thời kỳ hậu sản mẹ cần chú ý tắm rửa mỗi ngày bằng nước ấm. Vệ sinh vết may tầng sinh môn bằng khăn giấy hoặc khăn vải và giữ vết may luôn khô ráo. Luôn vệ sinh vết may mỗi lần đi vệ sinh. Nếu vết may bằng chỉ không tan thì mẹ nhớ thời gian để đến trung tâm y tế cắt chỉ. Không cần nhét bông gòn vào tai để giữ ấm vì không hiệu quả và có nguy cơ bông lọt vào tai do mẹ thường đãng trí, hay quên, gây nên nhiều phiền toái không đáng có.

Vận động hợp lý

Mẹ sau sinh cần nằm nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh để theo dõi một thời gian đến khi ổn định hơn sẽ được chuyển qua phòng hậu sản. Tại phòng hậu sản, mẹ nên tập các vận động đơn giản như ngồi dậy, di chuyển để mau lấy lại sức, giảm bớt đau đớn và giúp tống thoát sản dịch ra khỏi cơ thể tốt hơn. Vận động hợp lý cũng giúp mẹ tăng cường miễn dịch để tránh biến chứng loét tì đè do nằm quá lâu.

Trong vài giờ đầu tiên, do cơ thể chưa được hồi phục nên có thể té ngã khi thay đổi tư thế đột ngột. Mẹ cần có khoảng nghỉ ngắn vài phút khi chuyển tư thế như từ nằm sang ngồi để cơ thể quen dần, bớt chóng mặt rồi mới bước đi. Người thân cũng cần có mặt để hỗ trợ trong lúc này. Khi đã có thể tự đi đứng được thì mẹ có thể hoạt động sinh hoạt bình thường.

Sau khi đã về nhà để chăm sóc sức khỏe sau sinh, mẹ có thể áp dụng thêm một vài bài tập để cơ vùng sinh môn khỏe hơn, tránh táo bón và tránh nguy cơ sa các cơ quan vùng sinh dục về sau này.

Luyện tập hợp lý sau sinh

Luyện tập hợp lý sau sinh tốt cho sức khỏe

Nghỉ ngơi thư giãn

Sau khi sinh, việc ngủ đủ giấc 8 tiếng mỗi ngày là rất quan trọng để cơ thể nhanh chóng phục hồi. Ngủ thiếu giấc khiến cơ thể ngày càng mệt mỏi, da mặt bị sạm nám sau sinh, mắt có bọng thâm quầng, sức khỏe sa sút. Để có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý mẹ có thể tham khảo theo những cách sau:

  • Nghỉ ngơi cùng với bé

Trẻ sơ sinh ngủ nhiều giờ trong ngày. Bởi vậy nên mẹ cũng có thể tranh thủ thời gian bé ngủ để nghỉ ngơi, dù cho là một khoảng ngắn cũng có thể giảm bớt mệt mỏi đi nhiều.

  • Thư giãn trước khi ngủ

Trước khi đi ngủ, mẹ thường phải bận rộn bởi những việc nhỏ như chuẩn bị các thứ cho con, đem đồ đi giặt giũ, làm việc nhà... Tuy nhiên không nên lao lực quá độ mà cần thư giãn một chút trước khi ngủ như dành thời gian nghe nhạc, đọc sách, massage cơ thể... giúp giấc ngủ thoải mái, dễ chịu và ngon giấc hơn.

  • Chia sẻ việc chăm con với chồng

Việc chia sẻ trách nhiệm chăm con không chỉ khiến mẹ giảm bớt áp lực mà còn khiến gia đình gắn bó hơn. Người chồng cũng có cơ hội hiểu được nỗi vất vả của vợ. Ban đêm mẹ có thể nhờ chồng pha sữa hoặc hâm nóng sữa mẹ cho con bú để không bị mất đi giấc ngủ ban đêm, mẹ cũng nhanh lại sức hơn. Sự đồng cảm của người chồng trong giai đoạn này có thể giúp đỡ rất nhiều không chỉ là về việc chăm con mà còn giải tỏa áp lực tâm lý cho phụ nữ, giúp mẹ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.

Chia sẻ việc chăm con

Chia sẻ việc chăm con giúp phụ nữ đỡ mệt mỏi và áp lực

Hoạt động nhẹ nhàng

Trước khi đi ngủ khoảng 3 tiếng mẹ có thể tập thể dục nhẹ nhàng khoảng nửa tiếng để vừa khiến cơ thể không quá sung sức dẫn tới khó ngủ lại tốt cho sức khỏe như giảm stress, giảm đau lưng, giảm táo bón, bí tiểu, tránh các nguy cơ tai biến tim mạch, viêm tắc tĩnh mạch, phục hồi sự săn chắc của cơ thể. Nếu như mẹ sinh mổ thì không nên tập thể dục ngay mà cần đợi từ 4-6 tuần để vết mổ lành lại mới có thể tập luyện được..

Chăm sóc sức khỏe sau sinh mổ

Mẹ sinh mổ thường sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi sức khỏe hơn và cũng có nhiều điều cần lưu ý hơn so với sinh thường. Để mau chóng lành vết thương và lấy lại sức sau sinh, mẹ cần chú ý những điều sau:

Chăm sóc vết mổ

Tuần đầu sau sinh mổ vì vết mổ chưa khô nên các bác sĩ thường sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc cho mẹ như vệ sinh vết mổ, đưa các loại thuốc kháng sinh, giảm đau, co hồi tử cung... tránh nhiễm trùng và biến chứng, không để ảnh hưởng tới sữa non. Sau khi mở băng, mẹ lưu ý giữ vết mổ luôn khô ráo, không được dùng khăn ướt lau.

Nếu mẹ được khâu bằng chỉ không tiêu thì có thể cắt chỉ sau khoảng 5-7 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Còn nếu mẹ được khâu bằng chỉ tự tiêu thì không cần bước cắt chỉ. Trong thời gian vết mổ vẫn chưa lành mẹ nên lau người bằng nước ấm hoặc chú ý khí tắm, tránh làm ướt vết mổ. Không tự ý thoa các loại thuốc kháng sinh lên vết mổ.

Mẹ sinh mổ

Mẹ sinh mổ cần hết sức lưu ý để vết mổ sớm hồi phục

Chế độ dinh dưỡng

  • Mẹ không được ăn bất cứ thứ gì trong vòng 6h sau sinh mổ. Chỉ được uống nước lọc, nước đường, cháo loãng cho đến khi "xì hơi" được thì mới có thể ăn thức ăn đặc.
  • Không ăn các loại thực phẩm nhiều đường, bột, sản phẩm từ đậu tương vì dễ gây đầy hơi.
  • Uống nhiều nước để tránh táo bón, đầy hơi và có sữa cho con bú
  • Tăng cường thức ăn giàu canxi và đạm từ ngày thứ 2 trở đi
  • Không ăn thực phẩm gây tiêu chảy hoặc dị ứng
  • Mẹ có cơ địa sẹo lồi tránh thực phẩm dễ gây dị ứng và ảnh hưởng tới vết sẹo như: Thịt gà, thịt bò, hải sản, rau muống...

Trên đây là những lưu ý chăm sóc sức khỏe sau sinh cho mẹ thời kì hậu sản. Thời gian này sức khỏe của phụ nữ rất yếu nên cần có chế độ đặc biệt và toàn diện để nhanh chóng phục hồi cũng như để nuôi con khỏe mạnh hơn. Hi vọng rằng bạn đã có được những thông tin cần thiết thông qua bài viết này.

>>> Xem thêm: Hé lộ bí quyết đối phó với sẹo mổ đẻ cực hiệu quả cho mẹ sau sinh

1 lượt
Vote :